Khi nhắc đến bảo hiểm nhân thọ, việc bị từ chối nhận nghe giới thiệu hoặc tư vấn sản phẩm bảo hiểm đang là hiện trạng phổ biến. Điều này cũng dễ hiểu khi bản chất của bảo hiểm vẫn chưa thực sự được hiểu một cách đúng nghĩa trong đại bộ phận người tiêu dùng. Một khoản tiền để duy trì hợp đồng bảo hiểm hằng năm và một rủi ro nằm đâu đó ở tương lai quả thật là trở ngại trong tâm lý của người mua.
Thế nhưng, khi có đủ động lực để bước qua trở ngại ấy, để hiểu rằng bảo hiểm chưa bao giờ là một khoản đầu tư siêu lợi nhuận, càng không phải là một kênh tiết kiệm thuần tuý, khách hàng sẽ nhận ra được ý nghĩa thực sự của nó. Bảo hiểm như bản chất tên gọi là chiếc khiên bảo vệ, là phương án “back-up”, là túi tiền dự phòng trước những bất trắc của cuộc đời. Giá trị mà khách hàng nhận được từ bảo hiểm không dừng lại ở câu chuyện tiền bạc mà quý giá hơn cả là sự an tâm. An tâm vì không sợ rơi vào cảnh túng tiền điều trị, an tâm vì không là gánh nặng của người thân, an tâm vì vẫn có thể gửi trọn vẹn yêu thương đến gia đình ngay cả khi sự việc không may mắn nhất xảy ra.
Và tất nhiên, nguồn động lực để khách hàng nhận ra những ý nghĩa ấy không đến từ đâu khác ngoài sự thấu hiểu, sự tư vấn tận tâm, sự chăm sóc đúng mực của đội ngũ cán bộ người tư vấn bảo hiểm trên thị trường.
Người bạn đồng hành thầm lặng
Chị T.H.L là một khách hàng lâu năm của Sacombank. “Tôi biết đến bảo hiểm và đã tham gia bảo hiểm từ khá lâu rồi. Hồi còn độc thân thì mua cho bản thân và ba mẹ”. Chị cũng chia sẻ thật lòng rằng lúc sở hữu những hợp đồng bảo hiểm đầu tiên, chị chỉ đơn giản nghĩ đó là một hình thức tiết kiệm khi tài chính đang cho phép, phạm vi bảo hiểm chắc cũng chỉ xoay quanh những dịch vụ đơn giản như khám chữa bệnh thông thường. “ Mãi sau này gặp các bạn ở Sacombank, mới được các bạn tư vấn rằng bảo hiểm có thể làm được nhiều hơn thế và khi sự việc xảy ra rồi mình mới thấy hóa ra mình có thể nhận được khoản tiền bảo vệ lớn đến thế này” , chị chia sẻ trong buổi gặp.
Gần 1 năm trước, chị T.H.L bàng hoàng và suy sụp khi phát hiện mình mắc ung thư giai đoạn 3. Dù may mắn không bị quá nhiều trở ngại về kinh tế nhưng từ một người hoạt bát, chị T.H.L trở nên trầm lắng hơn và hay âu lo. Chị lo cho gia đình nhỏ của mình, sợ hai đứa trẻ sẽ ra sao nếu mẹ chúng chẳng may bất trắc, chị vun vén tài chính cho con từng ngày với mong muốn khoản chi phí điều trị sẽ không ảnh hưởng đến “của để dành cho tụi nhỏ”.